xử lý nhân viên chống đối

Xử lý nhân viên chống đối – Cách hay nhất là gì?

Nghệ thuật quản lý nhân viên chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với những nhân viên chống đối thường khiến cho các nhà quản lý đau đầu. Vậy có bí quyết nào xử lý nhân viên chống đối?

Môi trường công việc luôn tồn tại nhiều điều phức tạp, cách ứng xử bằng mặt không bằng lòng giữa nhà quản lý và nhân viên thường xuyên xảy ra. Trong đó, tìm ẩn những bất hòa khiến không khí làm việc đôi khi căng thẳng, khó chịu. Vì lẽ đó mà các nhà quản lý thường tìm cách xử lý nhân viên chống đối. Vậy những bí quyết của họ là gì?

Tìm hiểu nguyên nhân

Thông thường nếu có những khúc mắc xảy ra khiến nhân viên có những biểu hiện chống đối thì quản lý nên tìm nguyên nhân làm họ thay đổi thái độ. Trong đó, có thể là do bất đồng quan điểm, mâu thuẫn trong phân chia công việc, bất mãn trong cách ứng xử…

Nếu trong cách ứng xử thì nhà quản lý nên xem xét lại thái độ của mình để thẳng thắn trao đổi với nhân viên tháo gỡ mọi khúc mắc. Nhà quản lý có thể sẵn sàng nhận sai nếu trách nhiệm thuộc về mình, nếu là lỗi của nhân viên bạn phải khéo léo nhắc lỗi đặc biệt là những nhân viên khó trị.

Nếu trong công việc thì nhà quản lý cần đề ra kế hoạch phân chia hợp lý, đối với những nhân viên chống đối bạn cần giao việc khác với những nhân viên bình thường. Nói rõ nhiệm vụ thực hiện, mục tiêu cần đạt được, biện pháp xử lý nếu không đạt yêu cầu. Nhưng bạn phải thật mềm mỏng tạo môi trường tự do để họ làm việc thoải mái miễn sao đem lại hiệu quả công việc.

Nhà quản lý cần thực hiện những gì?

Ở vị trí quản lý bạn phải thể hiện sự công bằng trong công việc tạo sự bình đẳng để nhân viên không bất mãn. Nếu bạn có sự công bằng thì những nhân viên không hài lòng về bạn, họ cũng chẳng có lý do gì chê trách, phản đối. Sự công bằng còn tạo nên môi trường làm việc lành mạnh, có trật tự trước sau và dù bất kỳ ai cũng có cùng điểm xuất phát.

Công tư phân minh là đức tính cần có trong nguyên tắc quản lý. Đặc biệt, bạn cần phải thể hiện rõ với những nhân viên hay chống đối để họ biết rằng nhà quản lý như bạn xứng đáng được tôn trọng. Dù trong lòng không có thiện cảm thì họ cũng chẳng thể làm được gì mà chỉ có thể tuân theo bạn.

Hãy sử dụng chiến thuật “cương nhu”, nghĩa là lúc cần mềm dẻo và có lúc phải thật cứng rắn. Khi tiếp xúc trong công việc mà có vấn đề cần trao đổi thì lúc này bạn cần nhẹ nhàng đưa ra ý kiến và gợi ý phương hướng thực hiện, nhưng phải luôn tôn trọng và đề cao ý kiến của họ. Hãy thoải mái để nhân viên tự phát huy khả năng theo cách riêng của mình, bởi những người chống đối thường ít khi nghe lời người quản lý nếu như bị ép buộc vào khuôn khổ.

Đến một lúc nào đó bạn cần quyết định cứng rắn nếu mọi chuyện đã vượt giới hạn mà không thể làm ngơ. Nhưng tuyệt đối phải chỉ ra những lỗi mà nhân viên mắc phải để họ tự suy xét chính mình. Lúc này có thể là thời điểm căng thẳng khiến đôi bên không giữ được bình tĩnh. Dù vậy là nhà quản lý có quyền uy hơn nhân viên bạn phải thể hiện sự chuyên nghiệp của mình trong cách ứng xử, không thể cãi cọ với cấp dưới. Hãy tuân thủ theo quy định xử lý chung mà công ty đã đề ra hoặc xem xét tình hình, những lợi hại và đưa ra quyết định để giữ môi trường làm việc nề nếp.

Bí quyết xử lý “mềm dẻo”

Thực chất cũng chẳng ai muốn làm việc trong không khí căng thẳng, cứ chống đối, đấu đá lẫn nhau. Có thể do những hiểu lầm nào đó, hoặc không hiểu nhau. Bởi giữa quản lý và nhân viên bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định để đảm bảo công việc không xen lẫn tình cảm riêng tư. Nếu đã là vậy thì bạn không thể thay đổi được, mà chỉ có thể làm giảm thành kiến trong lòng mỗi người bằng cách tổ chức các buổi tụ tập, vui chơi. Sau những giờ thư giãn có thể sự nhìn nhận cũng sẽ khác và xích lại gần nhau hơn. 

Mỗi người có tính cách khác nhau vì thế bạn phải nắm bắt tâm lý của họ để biết cách cư xử đúng mực. Đôi khi cần có những quy tắc ngầm trong cách ứng xử, ví dụ đối với những nhân viên nắm giữ các vị trí, công việc quan trọng bạn cần ưu ái cho họ, nhưng ngược lại không quên vỗ về, ân cần với những người còn lại.

Đối với những nhân viên chống đối nếu chỉ đơn giản là đuổi việc thì bất cứ nhà quản lý nào cũng có thể làm được. Điều quan trọng là bạn phải có cách hay để xử lý nhân viên chống đối khiến họ tình nguyện phục tụng bạn. Đây mới cách ứng xử  thông minh của những nhà quản lý giỏi.