Mô tả: Khi trình bày trong CV hoặc tham gia phỏng vấn, mục tiêu nghề nghiệp luôn là phần quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng mong muốn được nghe ứng viên trình bày. Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực marketing nhưng chưa biết cách đặt mục tiêu nghề nghiệp thế nào cho đúng, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn.
Mục tiêu nghề nghiệp là một nội dung rất quan trọng, nó được xem là một sự tóm tắt về những định hướng của bạn cho nghề nghiệp của mình trong tương lai. Mục tiêu nghề nghiệp sẽ là một kim chỉ nam giúp bạn đi đúng hướng và đạt được những thành công trong sự nghiệp của mình. Đặc biệt, mục tiêu nghề nghiệp marketing thật sự cần thiết nếu bạn làm việc trong lĩnh vực này. Vậy làm thế nào để trình bày thật tốt và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng? Bạn cùng tham khảo bài viết này nhé.
Đặt mục tiêu marketing phải cụ thể
Như chúng ta đã biết, marketing là một ngành nghề rất rộng, nó bao gồm rất nhiều những vị trí công việc khác nhau. Không ai có thể am hiểu và giỏi toàn diện tất cả các lĩnh vực trong marketing. Vì thế, việc đầu tiên mà bạn cần làm là phải xác định được cho mình một công việc chính trong ngành marketing mà bạn muốn theo đuổi, chẳng hạn: planner marketing, content marketing, digital marketing, brand manager… Qua đó, bạn sẽ biết cách đặt mục tiêu cụ thể cho mình.
Nếu ngay từ đầu bạn không xác định được vị trí công việc mà mình muốn, bạn cứ trình bày một cách chung chung là:” Tôi muốn trở thành một nhân viên marketing giỏi”, thì nhà tuyển dụng sẽ không biết được bạn muốn giỏi về khía cạnh nào trong marketing, vì marketing thật sự là một lĩnh vực rất đa dạng.
Chẳng hạn, bạn đặt mục tiêu nghề nghiệp cho lĩnh vực Digital Marketing, bạn có thể trình bày như sau:”Tôi muốn trở thành một nhân viên Digital Marketing giỏi, am hiểu và ứng dụng hiệu quả các công cụ Digital Marketing như: Google Ads, Facebook, Email Marketing…”. Qua đó, nhà tuyển dụng sẽ hiểu được cụ thể bạn là ai, muốn phát triển nghề nghiệp như thế nào và xem xét bạn có phù hợp với vị trí công việc hay không.
Đưa ra mục tiêu ngắn gọn súc tích
Một điều quan trọng nữa mà bạn cần lưu ý là trình bày mục tiêu thật sự ngắn gọn súc tích. Vì sẽ không có một nhà tuyển dụng nào bỏ thời gian của họ ra để đọc cả một đoan văn bạn viết để kể về một quá trình nào đó. Họ chỉ cần những ý liệt kê chính và đầy đủ nhất từ ứng viên của mình.
Thông thường, nhà tuyển dụng chỉ “lướt qua” từ 5 – 10 giây để đọc mục tiêu nghề nghiệp marketing của bạn trong CV, còn trong phỏng vấn thì bạn chỉ có thời gian trình bày trong vòng 1 – 2 phút. Vì thế hãy cố gắng “chắt lọc” ra những ý quan trọng nhất để nói, đừng viết dài dòng, điều này chỉ khiến người tuyển dụng đánh giá thấp bạn hơn thôi.
Mục tiêu phải phù hợp với sự tìm kiếm của nhà tuyển dụng
Sẽ có rất nhiều ứng viên mắc sai lầm trong việc trình bày mục tiêu marketing của mình. Bạn đưa ra mục tiêu về một vị trí công việc khác hoàn toàn và không liên quan đến vị trí mà công ty đang tuyển dụng, và việc bạn bị loại là điều đương nhiên.
Ví dụ, bạn nộp hồ sơ vào vị trí công việc là Digital Marketing, nhưng trình bày mục tiêu muốn trở thành một nhà nghiên cứu thị trường marketing giỏi. Như thế, bạn đã trình bày sai mục tiêu nghề nghiệp Marketing của mình và sai với kỳ vọng của nhà tuyển dụng. Người phỏng vấn thấy được định hướng phát triển của bạn không phù hợp với vị trí công việc của công ty và khả năng bạn bị loại là rất cao.
Mục tiêu phải khả thi và thể hiện được sự cầu tiến
Khi viết mục tiêu nghề nghiệp về Marketing, bạn nên nhớ phải luôn thể hiện sự cầu tiến và sự gắn bó của mình với công việc đó. Bạn phải thể hiện được sự ham học hỏi, mong muốn đóng góp cho công ty. Như thế, bạn sẽ “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng, bởi bất kỳ ai cũng muốn tuyển được nhân viên có tinh thần học hỏi và luôn biết cách trau dồi cho công việc hiện tại của mình. Bên cạnh đó, mục tiêu nghề nghiệp phải được trình bày một cách khả thi, đừng quá tự tin mà bạn đưa ra những điều mà mình không làm được.
Không chỉ riêng ngành Marketing, mục tiêu nghề nghiệp thật sự rất quan trọng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau. Thông quan mục tiêu nghề nghiệp này, nhà tuyển dụng sẽ biết được định hướng của bạn cho tương lai, bạn có phù hợp với vị trí công việc hay không qua đó vạch ra một con đường giúp nhân viên có thể đạt được thành công trong công việc của mình.